Thursday, April 29, 2010

Hết cữ

Hôm nay hết cữ, mẹ lấy lá hẹ bôi vào lợi cho con, để sau này con mọc răng không bị sốt.

Vì chưa có ảnh chụp hôm nay nên bố upload ảnh và video chụp hôm con tròn 3 tháng. :)



Wednesday, April 21, 2010

Dám tranh luận

“Đừng có lý sự như thế, bố không thích đâu.”

“Mày là con phải nghe lời tao.”

“Càng nói tao càng thấy mày ngu”

....

Nếu một ngày nào đó, bố kết thúc cuộc tranh luận với con bằng những lời lẽ như thế. Con hãy nói rằng bố đang thiếu bình tĩnh và bảo bố hãy đọc lại bài viết này.

Không phải bậc cha mẹ nào cũng có đủ kiên trì để giải đáp các thắc mắc của con cái. Nhất là khi đứa trẻ mắc bệnh thích “lý luận”. Vì thế một giải pháp đơn giản để kết thúc cuộc tranh luận dài lê thê đó là dùng quyền lực của cha mẹ để bắt đứa trẻ phải nghe theo và “tin” những điều mình nói. Còn với những cuộc tranh luận căng thẳng hơn có thể kết thúc kiểu như “càng nói tao càng thấy mày ngu”. Nói như thế không những sẽ làm chấm dứt ngay cuộc đấu khẩu với con cái, mà bố mẹ còn thể hiện được cái uy của mình vì đã chốt được một câu thể hiện phần thắng trong cuộc tranh luận.

Nhưng liệu cuộc tranh luận ấy đã kết thúc? Và ai thắng ai thua? Rõ ràng là những đứa trẻ không thắng. Nhưng một điều nữa không rõ ràng bằng, lại quan trọng hơn: đó là những bậc phụ huynh là những người thua. Bởi, thay vì đón nhận cơ hội để dạy bảo cho con về lẽ phải, về công bằng, về phương pháp tư duy, thì họ lại khiến những đứa con cảm thấy ấm ức vì bị áp đặt, khiến chúng xa cách bố mẹ hơn. Sau này, khi có vấn đề gì thắc mắc chúng sẽ không muốn và không dám đưa ra chia sẽ, thảo luận cùng bố mẹ bởi chúng “nhớ” kinh nghiệm của những lần tranh luận trước đó.

Nguy hại hơn, khi có thắc mắc, trẻ sẽ không cố gắng học hỏi, tìm thêm kiến thức liên quan (để mà tranh luận). Trẻ sẽ không muốn đào sâu suy nghĩ những thứ được học mà dễ dàng chấp nhận nó. Trẻ sẽ coi chuyện người “lớn hơn” áp đặt lên người khác là một điều hiển nhiển. Khi trẻ lớn, thói quen tư duy này sẽ được áp dụng để dạy những đứa con của mình (tạo ra một vòng luẩn quẩn không bao giờ dứt). Còn ở ngoài xã hội, khi những người có quyền có thói quen này, sẽ áp dụng lên cấp dưới của mình, tạo ra một xã hội không phản biện, thiếu dân chủ. Thậm chí dù có trở thành thủ tướng, thì đứa trẻ được nuôi dạy với thói quen này, cũng chỉ trở thành một kẻ hại dân mà thôi, bởi với bất kỳ sai phạm nào, nó cũng sẽ dùng quyền của mình để “định hướng dư luận” và trù dập những người dám đưa ra những ý kiến phản biện. Nó sẽ không biết nghe lời người khác vì nó tin rằng nó là người có quyền nhất thì mọi điều nó nói sẽ luôn đúng đắn.

Để dạy bảo cho con, bố sẽ cố gắng tránh được những sai lầm như thế. Khi con có điều thắc mắc, bố sẽ nhớ câu nói của giáo sư Hồ Ngọc Đại: “Bọn trẻ con bây giờ hay cãi cha mẹ nhưng không phải thế là hư. Các bậc phụ huynh phải thuyết phục bằng cái lý của trẻ con. Muốn dạy chúng thì trước hết phải thì phải thua chúng. Sau đó phân tích bằng cái lý của chúng để nó thua ngay trên cái lý của chúng". Thay vì áp đặt suy nghĩ của mình lên con, bố sẽ cố gắng giúp con tự tìm ra cách thức để giải quyết vấn đề [1]. Bố muốn khi bố con mình tranh luận, con sẽ chiến thắng bằng những kiến thức và lập luận của chính mình.

Cũng như bài trước, khi viết bài này, bố hi vọng sẽ giúp con có được thói quen suy nghĩ độc lập ngay từ nhỏ, giúp con hiểu được rằng con đường đi đến “chân lý” là qua học hỏi và tranh luận chứ không phải là sự áp đặt. Để sau này con sẽ trở thành một người có tư duy phản biện[2], có khả năng biện luận và dám đứng lên bảo vệ lẽ phải.

Cuối cùng, bố hi vọng, sau này, không chỉ bố mà cả mẹ con cùng với ông bà và các bậc phụ huynh khác “dám tranh luận” với con cháu của chính mình.


Phụ lục:

[1] Cuốn sách : Cha Mẹ Giỏi Con Thông Minh (Thinking parent, thinking child) giúp cha mẹ giải quyết các vấn đề rắc rối hàng ngày.

[2] Ba bước tư duy (copy từ blog của BS Hồ Hải).
Những nhà giáo dục và tâm lý thế giới đã đúc kết: Lứa tuổi cấp một là lứa tuổi mà trí não trẻ chỉ tư duy một bước: ghi nhận, học hỏi; lứa tuổi cấp hai là tư duy hai bước: ghi nhận và phân tích đúng sai; lứa tuổi cấp ba: tư duy phản biện (còn gọi là tư duy tới hạn, hay tư duy nhiều bước): ghi nhận, phân tích đúng sai và đưa ra giải pháp để giải quyết những sự kiện. Nếu nắm và hiểu được một cách rõ ràng như thế, thiết nghĩ biện pháp giáo dục cho các trẻ không còn khó khăn khi gia đình, nhà trường và xã hội luôn quan tâm và chăm sóc trẻ trong từng giai đoạn phát triển tư duy và hành động.

Monday, April 19, 2010

Tổng kết tháng thứ 3.

Hôm nay là ngày 19-4. Tức là con tròn 3 tháng theo lịch dương.
Hôm thứ 7 vừa qua, con đã lên Hà Nội, sau 2 tháng về chơi với ông bà ngoại.
Sau 3 tháng con đã được 6kg. Như vậy tháng vừa thứ 3 này con chỉ tăng được 0.6 kg. Hơi kém so với 2 tháng trước.
Nhưng bù lại con đã ngoan hơn, không con khóc nhiều như 2 tháng đầu,
không bắt mẹ bế nhiều nữa, mà thích nằm chơi và nói chuyện.
Bây giờ tật hư nhất là lười ăn sữa ngoài. Hy vọng tháng này con ăn được nhều hơn và tăng cân đều trở lại. :)
:* :* :*

Sunday, April 11, 2010

Show hàng sau khi cắt tóc

Đây là chùm phim và anh show hàng sau khi cắt tóc.
Để xem ảnh xin mời vào picasa.