Sunday, May 23, 2010

Cắt tóc

Hôm nay ngày 23 tháng 5. Ông Hiển mang tông đơ sang cắt cua cho Nghé.

http://picasaweb.google.com/hoanglong1901/CatTocLan2#

Thursday, May 20, 2010

Tổng kết tháng thứ 4:



Hôm qua Nghé tròn 4 tháng rồi:
Hôm qua Nghé được 6.5kg rồi.
Như vậy tháng này chỉ tăng được 0.5 kg.

Tháng này Nghé đã biết lẫy. Vẫn hay nói chuyện. Đêm ngủ ngoan. Nhưng lúc gắt ngủ hay khóc. Lười ăn nên tăng cân hơi không nhiều.

Mấy hôm nay Nghé hơi bị ho, cả nhà hơi bi lo :) .

Sunday, May 16, 2010

Thơ cụ tặng Nghé.

Hân hoan
(Tặng bé Nguyễn Hoàng Long)

Tiến Giang sinh hạ bé đầu lòng
Tuổi sửu gọi là cu “Nghé Long”
Y mẹ mắt tròn to thật sáng
Hệt cha môi mọng đỏ hơi cong
Cả nhà lên chức bao hồ hởi
Bốn họ thỏa lòng bấy ước mong
Bà nựng cháu: “Hay ăn chóng lớn
Sau này tiến bộ vượt hai ông”.

Tả Thanh Oai: Tháng Sửu Năm Kỷ Sửu

Đây là bài thơ do cụ ngoại (ông ngoại của bố) làm tặng Nghé.

Thursday, May 13, 2010

Nghé cười khanh khách



Đây là hôm 8/5, nghé đùa với ông nội. Quay bằng máy điện thoại của ông nên hình hơi xấu :)).

Friday, May 7, 2010

Nghé lẫy


Hôm qua ngày 6-5-2010 Nghé đã biết lẫy rồi nhưng vẫn còn vất vả lắm,mỗi lần Nghé lẫy là mặt đỏ cả lên, nhưng vẫn cứ thích lẫy nhiều. Chúc mừng Nghé.

Thursday, May 6, 2010

Dám tranh luận phần 2



I. (Một La Mã)
Lại nói về chuyện nước Vệ [1], dù đã nghỉ hưu nhưng mấy lão thần tiền triều cứ liên tiếp dâng sớ, hết than rằng nền giáo dục nước nhà đang khủng hoảng đến nền giáo dục đang thua kém các nước lân bang. Vệ Vương tức lắm nghỉ thầm trong bụng: "bố khỉ, nước ta cử toàn giáo sư tiến sĩ đi làm thầy đồ, chả hiểu làm sao lại có thể thua kém mấy thằng thầy đồ tầm thường lân bang được. Đợt thiết triều tới ta phải quạt cho lão hiệu trưởng trường Quốc Tử Giám kiêm Phó Tể Tướng một trận mới xong".

Buổi chầu hôm đó, như thường lệ, quần thần đồng thanh:
- Vệ Vương trăm tuế, trăm tuế, trăm trăm tuế.[2]

Vệ Vương:
- Bình thân!
...
- Phó Tể Tướng, ta nghe nói dạo này đám thầy đồ, sĩ tử của nhà ngươi hay lắm hả? Bỏ dạy văn, học văn. Chuyển sang dạy võ, luyện võ hả.

Phó Tể Tướng:
- Dạ thưa, đấy chỉ là thiểu số. Với lại bọn nó không đánh nhau ở trường, lại kéo nhau ra vườn hoa thì thần làm sao biết mà rình mò cho được. Mà bọn nó đánh nhau cũng không thể đổ hết lỗi cho thần được. Cũng một phần là do lỗi gia đình chúng không biết dạy đấy chứ. Đấy, như Vệ Vương ngài đấy, cũng có dạy được Thái Tử đâu.

Vệ Vương nóng mũi:
- Ta và Thái Tử có tranh cãi cũng chỉ là tạm thời thôi. Nhưng đường lối của ta là đúng, trước sau gì cũng dạy được Thái Tử thôi.

Phó Tể Tướng:
- Ngài dám đánh cược với thần không.

Quần Thần bàn tán:
- Cược đi, cược đi, cược cược đi.
Vệ Vương cau mày nhìn.
Quần Thần im re.

Vệ Vương nói:
- Cược gì.

Phó Tể Tướng:
- Nếu thần thắng, thần xin được phong làm tể tướng.

Quần Thần bàn tán:
- Được đấy, được đấy, được được đấy.
Tể Tướng cau mày nhìn.
Quần Thần im re.

Tể Tướng gằn giọng nói:
- Nếu ông thua thì...

Phó Tể Tướng ngắt lời:
- Nếu thua tôi xin từ bỏ tất cả mọi chức vụ... tất cả mọi chức vụ ... ở Quốc Tử Giám. Chỉ giữ lại chân Phó Tể Tướng thôi.

Quần Thần bàn tán:
- Khôn thế, khôn thế, khôn khôn thế.
Phó Tể Tướng cau mày nhìn.
Quần Thần im re.

Vệ Vương:
- Được!
....
Bãi triều.

II. ( Hai La Mã)
Vệ Vương đi thẳng về hướng thư phòng của Thái Tử, vừa đi vừa hô quyết tâm: "đợt này mình phải dạy bảo Thái Tử cho nghiêm túc...".
Vừa vào phòng đã thấy Thái Tử nằm trên trường kỷ mút tay chùn chụt (video phía trên chỉ mang tính chất minh họa :-D ). Vệ vương liền nói:
- Thái Tử, con có biết con lớn rồi không! Sao không ngồi học, lại nằm mút tay như vậy [3].
- Con vừa nằm nghỉ tí, mà mút tay thì có sao. (Thái Tử trả lời với ging hơi khó chịu)
- Mất vệ sinh lắm, lại mất lịch sự nữa. (Vệ Vương hơi to tiếng).
- Con mút tay từ bé, có sao đâu. (Thái Tử vùng vằng).
- Không được cãi. Tao bảo mày dạy, ngồi học ngay.
Thái Tử ngồi dạy, không nói năng gì, bỏ ra cửa, vẫn vừa đi vừa mút tay.

Vệ Vương tức lắm, toan đuổi theo, tẩn cho một trận. Nhưng chợt nghĩ lại: "hồi xưa mình cả ông bô cũng thế. Mỗi khi ông già mắng mỏ thì mình cũng có nghe ổng nói gì đâu. Sau mỗi lần như thế chỉ nhớ là tức lắm thôi, chẳng nhớ ổng dạy gì. Mà hình như mấy lời ông dạy cũng chí lý lắm thì phải, nhưng mà lúc đang tức mà, nên chẳng thèm nghe".
Nghĩ đến đây, Vệ Vương thấy rối bời. Chẳng nhẽ mình lại thua lão Phó Tể Tướng thật.
Quyết không để thua. Vệ Vương tìm tới Tàng Kinh Các, may thay vớ được 2 cuốn sách dạy con, một cuốn của lão thày đồ nước Mão [4], một cuốn của lão thày đồ nước Hổ[5]. Vệ Vương vui mừng đọc ngấu nghiến.

III. ( Ba La Mã)
Rời khỏi Tàng Kinh Các, Vệ Vương lại thấy Thái Tử đang ngồi mút tay trong Ngự Hoa Viên. Lần này nhớ lại những gì vừa đọc[6]. Vệ Vương nhẹ nhành đến bên con nói:
- Con này, bố ngồi với con nhé.
- Vâng ạ.
- Con ơi, con mấy tuổi rồi nhỉ ?
- Con 4 tuổi rồi bố ạ.
- Con thấy mình lớn chưa?
- Con lớn rồi mà (giọng tự hào lắm).
- Con này, con nghĩ gì nếu thấy một lão thái giám vừa đi vừa mút tay.
- Buồn cười bố ạ. Lại còn mất vệ sinh nữa.
- Ừ, con nghĩ thế tốt lắm. Mà hình như thỉnh thoảng bố thấy con vẫn mút tay thì phải.
- Thế à. Con cũng không để ý. Tại thói quen thôi. Để con sửa dần vậy.[7]
- Ừ, con nhận ra vấn đề thế bố mừng lắm. Cố lên con nhé. (Vệ Vương vừa nói vừa xoa đầu Thái Tử âu yếm).

IV. (Bốn La Mã)
Một lần khác, khi Vệ Vương đang bận duyệt tấu chương, thì Thái Tử nhảy vào.
- Bố ơi cho con đi chơi nhé.
- Con đi với ai.
- Con đi với mấy thằng Thái Tử nước Mã và nước Vạn.
- Đi đâu thế con.
- Bọn nó rũ con ra biển, xem tàu nước Tề đánh cá.
- Bố thì thích con ở nhà đọc sách, học cai trị đất nước hơn. Chứ đi chơi làm gì.
- Học cai trị đất nước làm gì hả bố. Mình là vua trị thế nào chẳng được.
Vệ Vương bắt đầu khó chịu nhưng lại nhớ những gì đã đọc được nên vẫn nhẹ nhành.[8]
- Thôi được rồi, nếu con thích đi chơi thì cứ đi. Nhưng đi nhanh rồi về. Tranh thủ đọc mấy cuốn sách trị quốc con nhé. Để tối nay sau bữa ngự thiện, bố con mình cùng bàn luận được không.[9]
- Vâng. Con đi chơi đây. Tối gặp lại bố.
Vệ Vương nhìn con đi ra. Tranh thủ phê nhanh tấu chương. Rồi tranh thủ lên Tàng Kinh Các đọc lại mấy cuốn sách trị quốc để tối nay còn nói chuyện với Thái Tử.[10]

Tối hôm đó. Trong không khí ấm cúng. Vệ Vương ngồi cạnh Thái Tử dịu dàng nói.
- Con này, theo con thì có cần phải học cách để trị quốc không? [11]
- Xem sách, con thấy có nhiều ông vua bị coi là hôn quân, lại có những ông được tôn vinh. Nên con nghĩ có lẽ cũng cần học.
- Con có cách nghĩ tốt lắm. Vậy theo con trị quốc phải làm gì?
- Cái này con cũng không rõ lắm.
- Để bố gợi ý nhé!
- Vâng.
- Con có biết đạo trị quốc lấy gì làm gốc không?
- Lấy dân bố ạ.
- Đúng rồi con ạ.
- Tại sao lại lấy dân hả con?
- Vì triều đình là thuyền, dân là nước. Nước có thể đưa thuyền cũng có thể lật thuyền.
- Con suy nghĩ rất hay. Thế phải làm gì để nước không lật thuyền.
- Con cũng chưa biết.
- Con phải biết dân muốn gì.Phải làm cho dân được ấm no hạnh phúc.
- À con hiểu rồi. Phải thường xuyên nghe ý kiến đóng góp của dân, rồi đưa ra chính sách phù hợp phải không?
- Con suy luận tốt lắm [12]. Đúng rồi con ạ.
...
V. ( Năm La Mã)
Hai bố con mải nói chuyện vui vẻ, không chú ý đằng xa có một người theo dõi 2 người từ lâu. Đấy chính là Hậu Vệ, ý lộn là Vệ Hậu (tức Hoàng Hậu nước Vệ). Bà đang ngồi khâu bên khung cửi làm bằng gỗ mun, nhìn 2 bố con, mừng thầm trong bụng: "Cuối cùng thì bố nó cũng đã biết cách dạy con rồi". Mải vui, không để ý, nên bà bị kim đâm trúng tay. Một giọt máu đỏ tươi rơi xuống nền gạch trắng như tuyết. [13]

Chú giải:

[0] Sau khi viết bài trước về tranh luận. Bác Minh bảo với bố Nghé là bài viết lý thuyết quá, khó làm theo. Con cô Linh thì comment là không biết có làm theo được không.... Vì thế bố Nghé viết thêm bài này với mục đích nâng cao tính thực hành. Bài viết được chia làm 5 cái La Mã như sau: :)
I. Dẫn nhập.
II. Sai lầm thường gặp của các bậc phụ huynh.
III. Cách đóng góp ý kiến cho trẻ.
IV. Cách thảo luận cùng trẻ.
V. Dẫn xuât.

[1] Nước Vệ trong "Đại Vệ Chí Dị". Tiện thể khai luôn, là dịp này phong trào đang lên (đạo văn, đạo sách, đạo nhạc, đạo ảnh), bố cháu Nghé tự thấy văn vẻ của mình không ra gì nên cũng xin phép đi đạo chút cốt của bác Lái Gió và chút văn phong của Bọ Lập cho câu chuyện thêm phần sinh động.

[2] Ở bên nước Tế, họ coi vua là Thiên Tử nên được xưng hô là "vạn tuế". Vương gia thì được hô là "cửu thiên tuế". Vì là nước nhỏ, ngại phạm thượng lại tránh đụng hàng nên ở nước Vệ người ta chỉ tung hô là "trăm tuế". :)

[3] Các bậc phụ huynh thường mắc sai lầm này. Đó là áp đặt ngay ý kiến của mình cho trẻ nhỏ mà không quan tâm tới cảm xúc của trẻ. Nếu vào đề bằng một thái độ quy chụp thì trẻ con sẽ xuất hiện tâm lý "phòng thủ", rồi sau đó thường cố biện minh cho mình chứ không thực sự tiếp thu ý kiến của phụ huynh.

[4] Cuốn sách "Cha mẹ giỏi, con thông minh" đã giới thiệu trong bài trước.

[5] Cuốn sách "con cái chúng ta đều giỏi" cũng đáng để đọc.

[6] Phải quan tâm tới cảm xúc của con trước khi có thể khuyên giải chúng. Trẻ con có 5 nhu cầu cảm xúc cơ bản cần được người lớn coi trọng. Một là cần được yêu thương, hai là cần chấp nhận, ba là cảm thấy mình quan trọng, bốn là muốn được nhìn nhận, năm là độc lập và tự khẳng định mình.

[7] Khi nói đến những khuyết điểm của trẻ, không nên nói thẳng, nên hướng sang một đối tượng khác để tránh trẻ có tư duy "phòng thủ", và có thể nói chuyện cởi mở hơn. Sau đó liên hệ với trẻ để trẻ tự nhận ra vấn đề, tự đưa ra giải pháp (bằng cách phụ huynh chỉ đưa ra câu hỏi gợi ý). Đây là cách hiệu quả hơn thói quen thông thường của cha mẹ, đó là "suy nghĩ hộ con", rồi chỉ cho chúng cách giải quyết cụ thể, làm vậy trẻ sẽ thấy chúng bị áp đặt và không tự giác làm theo.

[8] Các bậc cha mẹ có thể dùng quyền của mình để ép con học. Nhưng như thế thường không hiệu quả.

[9] Khi không có thời gian, mà thấy có vấn đề cần nói với con cái. Nên hẹn chúng nói chuyện dịp khác. Đồng thời gợi ý cho chúng tự tìm hiểu vấn đề. Các bậc phụ huynh hay mắc sai lầm là trả lời qua loa cho xong chuyện khi bị trẻ con "tò mò" vào đúng lúc đang bận.

[10] Khi nói chuyện với con cái về vấn đề gì mà bản thân mình cũng chưa hiểu rõ. Cha mẹ cũng nên "hoãn binh" để tìm hiểu. Đừng trả lời lung tung. Hậu quả khôn lường.

[11] Trước khi "giảng bài" cho con, cũng cần tìm hiểu xem con nhận thức vấn đề đó thế nào, để thuyết phục theo cái "lý" của chúng. Nhiều khi phụ huynh sẽ thấy trẻ con còn biết nhiều hơn mình tưởng và chẳng còn gì để "giảng" tiếp cả. :)

[12] Khi nói chuyện với con, đừng ngại khen chúng. Như thế giúp không khí vui vẻ hơn, trẻ con lại thấy chúng được yêu thương. Nhưng nên thay những câu khen kiểu "con giỏi lắm", "con thông minh lắm"... bằng những câu kiểu như: "suy nghĩ của con tốt đấy", " suy luận hay lắm", "cách con tìm ra giải pháp rất tốt"...

[13] Ước gì sau này Nghé có 1 cô em gái da trắng như tuyết, môi đỏ như máu, tóc đen như bố (ối chết lộn), tóc đen như gỗ mun :).

Tuesday, May 4, 2010

Nghé và Bi

Ngày 2-5, Nghé vào Hà Đông chơi với anh Bi.
Anh Bi sinh trước Nghé 3 ngày, lúc sinh nặng 4.1Kg.
2 anh em cùng sinh tại BV Bưu điện, buổi sáng ngày 19-1 khi anh Bi vừa ra viện thì Nghé được sinh ra và lại vào nằm giường anh Bi vừa nằm.

Sau 3 tháng rưỡi bây giờ Nghé nặng: 6.2kg còn anh Bi nặng 8.5kg.

Xem ảnh tại: http://picasaweb.google.com/hoanglong1901/1502#