Wednesday, April 21, 2010

Dám tranh luận

“Đừng có lý sự như thế, bố không thích đâu.”

“Mày là con phải nghe lời tao.”

“Càng nói tao càng thấy mày ngu”

....

Nếu một ngày nào đó, bố kết thúc cuộc tranh luận với con bằng những lời lẽ như thế. Con hãy nói rằng bố đang thiếu bình tĩnh và bảo bố hãy đọc lại bài viết này.

Không phải bậc cha mẹ nào cũng có đủ kiên trì để giải đáp các thắc mắc của con cái. Nhất là khi đứa trẻ mắc bệnh thích “lý luận”. Vì thế một giải pháp đơn giản để kết thúc cuộc tranh luận dài lê thê đó là dùng quyền lực của cha mẹ để bắt đứa trẻ phải nghe theo và “tin” những điều mình nói. Còn với những cuộc tranh luận căng thẳng hơn có thể kết thúc kiểu như “càng nói tao càng thấy mày ngu”. Nói như thế không những sẽ làm chấm dứt ngay cuộc đấu khẩu với con cái, mà bố mẹ còn thể hiện được cái uy của mình vì đã chốt được một câu thể hiện phần thắng trong cuộc tranh luận.

Nhưng liệu cuộc tranh luận ấy đã kết thúc? Và ai thắng ai thua? Rõ ràng là những đứa trẻ không thắng. Nhưng một điều nữa không rõ ràng bằng, lại quan trọng hơn: đó là những bậc phụ huynh là những người thua. Bởi, thay vì đón nhận cơ hội để dạy bảo cho con về lẽ phải, về công bằng, về phương pháp tư duy, thì họ lại khiến những đứa con cảm thấy ấm ức vì bị áp đặt, khiến chúng xa cách bố mẹ hơn. Sau này, khi có vấn đề gì thắc mắc chúng sẽ không muốn và không dám đưa ra chia sẽ, thảo luận cùng bố mẹ bởi chúng “nhớ” kinh nghiệm của những lần tranh luận trước đó.

Nguy hại hơn, khi có thắc mắc, trẻ sẽ không cố gắng học hỏi, tìm thêm kiến thức liên quan (để mà tranh luận). Trẻ sẽ không muốn đào sâu suy nghĩ những thứ được học mà dễ dàng chấp nhận nó. Trẻ sẽ coi chuyện người “lớn hơn” áp đặt lên người khác là một điều hiển nhiển. Khi trẻ lớn, thói quen tư duy này sẽ được áp dụng để dạy những đứa con của mình (tạo ra một vòng luẩn quẩn không bao giờ dứt). Còn ở ngoài xã hội, khi những người có quyền có thói quen này, sẽ áp dụng lên cấp dưới của mình, tạo ra một xã hội không phản biện, thiếu dân chủ. Thậm chí dù có trở thành thủ tướng, thì đứa trẻ được nuôi dạy với thói quen này, cũng chỉ trở thành một kẻ hại dân mà thôi, bởi với bất kỳ sai phạm nào, nó cũng sẽ dùng quyền của mình để “định hướng dư luận” và trù dập những người dám đưa ra những ý kiến phản biện. Nó sẽ không biết nghe lời người khác vì nó tin rằng nó là người có quyền nhất thì mọi điều nó nói sẽ luôn đúng đắn.

Để dạy bảo cho con, bố sẽ cố gắng tránh được những sai lầm như thế. Khi con có điều thắc mắc, bố sẽ nhớ câu nói của giáo sư Hồ Ngọc Đại: “Bọn trẻ con bây giờ hay cãi cha mẹ nhưng không phải thế là hư. Các bậc phụ huynh phải thuyết phục bằng cái lý của trẻ con. Muốn dạy chúng thì trước hết phải thì phải thua chúng. Sau đó phân tích bằng cái lý của chúng để nó thua ngay trên cái lý của chúng". Thay vì áp đặt suy nghĩ của mình lên con, bố sẽ cố gắng giúp con tự tìm ra cách thức để giải quyết vấn đề [1]. Bố muốn khi bố con mình tranh luận, con sẽ chiến thắng bằng những kiến thức và lập luận của chính mình.

Cũng như bài trước, khi viết bài này, bố hi vọng sẽ giúp con có được thói quen suy nghĩ độc lập ngay từ nhỏ, giúp con hiểu được rằng con đường đi đến “chân lý” là qua học hỏi và tranh luận chứ không phải là sự áp đặt. Để sau này con sẽ trở thành một người có tư duy phản biện[2], có khả năng biện luận và dám đứng lên bảo vệ lẽ phải.

Cuối cùng, bố hi vọng, sau này, không chỉ bố mà cả mẹ con cùng với ông bà và các bậc phụ huynh khác “dám tranh luận” với con cháu của chính mình.


Phụ lục:

[1] Cuốn sách : Cha Mẹ Giỏi Con Thông Minh (Thinking parent, thinking child) giúp cha mẹ giải quyết các vấn đề rắc rối hàng ngày.

[2] Ba bước tư duy (copy từ blog của BS Hồ Hải).
Những nhà giáo dục và tâm lý thế giới đã đúc kết: Lứa tuổi cấp một là lứa tuổi mà trí não trẻ chỉ tư duy một bước: ghi nhận, học hỏi; lứa tuổi cấp hai là tư duy hai bước: ghi nhận và phân tích đúng sai; lứa tuổi cấp ba: tư duy phản biện (còn gọi là tư duy tới hạn, hay tư duy nhiều bước): ghi nhận, phân tích đúng sai và đưa ra giải pháp để giải quyết những sự kiện. Nếu nắm và hiểu được một cách rõ ràng như thế, thiết nghĩ biện pháp giáo dục cho các trẻ không còn khó khăn khi gia đình, nhà trường và xã hội luôn quan tâm và chăm sóc trẻ trong từng giai đoạn phát triển tư duy và hành động.

7 comments:

  1. thiếu thiếu :)) còn nữa
    "mày là bố tao hay tao là bố mày"
    câu này ông trẻ Hà hay nói lắm ý =))

    ReplyDelete
  2. Tớ thấy thiếu một ý. Đồng ý rằng trẻ con biết tranh luận là rất tốt. Các cháu có thể nêu ý kiến của mình và đem ra "cãi lại" ý kiến của ông bà, bố mẹ. Nhưng bên cạnh đó, bố mẹ các cháu cũng phải có một hệ thống kiến thức xã hội, tạm gọi là "đầy đủ" để có thể định hướng cuộc tranh luận đó sao cho có ích nhất đối với cả 2 phía. Qua đó, các cháu có thể học hỏi kiến thức cũng như kinh nghiệm từ phía ông bà, cha mẹ. Các bậc cha mẹ có thể có cái nhìn toàn diện hơn về con cái để hiểu chúng hơn. Nhưng nếu cuộc tranh luận đó ko đúng hướng thì đó lại là 1 điều không hay chút nào (cái này xin bình luận sau, tránh lan man lạc đề). Đề nghị bố Pizza nên học hỏi, bổ sung kiến thức nhiều hơn nữa để sau này có đủ khả năng tranh luận với bé Pizza và các bé sau hihi...

    ReplyDelete
  3. Đúng rồi. Cảm ơn cô Trang béo. Một lý do khiến bố mẹ ngại tranh luận với con một phần cũng vì bố mẹ sợ lộ ra những cái sai của mình. Nhưng nếu dám tranh cãi, bố mẹ cũng phải học hỏi nhiều hơn :)

    ReplyDelete
  4. Vậy là lại sợ sai, sợ lộ cái dốt của mình, mà cái này thì, bạn biết rồi đấy, đầy rẫy

    ReplyDelete
  5. Hai bên cùng sai thì tranh cãi cái gì:) Mà bình thường trong gia đình thì nên gọi là thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức chứ tranh cãi làm gì cho mệt ^^

    Mà cách hiểu của mọi người về một vấn đề đều khác nhau làm gì có cái gì để gọi là quy chuẩn đúng hoàn toàn , sai hoàn toàn. :) Nên tranh cãi theo kiểu cố chấp dễ dắn đến bạo lục cách mạng lắm . (Thường là bố mẹ phải chụi con cái trong những trường hợp gay gắt. Nói mãi cũng không thông)

    Tính ra việc nuôi dạy con chẳng bao giờ đơn giản cả . Mọi việc sau này phải đợi bạn Tiến truyền kinh nghiệm :)

    ReplyDelete
  6. @Sơn béo: Ừ, tao cũng đồng ý với mày. Trong gia đình thì việc Thảo luận nên được đề cao hơn tranh luận. Mục đích chính trong các cuộc nói truyện trong gia đình không phải là tranh thắng thua mà là để trao đổi kiến thức cũng như chia sẻ tình cảm. Đây là cơ hội tốt để bố mẹ truyền đạt lại kinh nghiệm của mình cho con cũng như nắm bắt tâm sinh lý của con.

    ReplyDelete
  7. đồng ý nhưng mà em dễ cáu lắm, chả biết sau này có làm được ko :D

    ReplyDelete