Monday, September 20, 2010

Lục Hòa Kính

Đã lâu rồi bố Nghé không viết gì trên blog để chuyên tâm tụng kinh niệm phật. Hôm trước đọc sách, thấy hòa thượng Thích Thánh Nghiêm có ý tưởng dùng Lục Hòa Kính của đạo phật để áp dụng trong công sở. Nhưng bố Nghé lại thấy nó cũng rất phù hợp để áp dụng cả với cuộc sống gia đình, vì vậy hôm nay, bố Nghé xin phá giới viết dăm điều nhăng cuội. Đây cũng là câu trả lời mà bố Nghé còn nợ bác Minh, câu hỏi:làm thế nào để hòa hợp nhiều thế hệ trong một gia đình".

Lục Hòa Kính là sáu nguyên tắc sống cơ bản của tăng đoàn đạo phật, đồng thời cũng là quy chuẩn để các bên sống hòa hợp, tôn kính lẫn nhau. Sáu nguyên tắc đó bao gồm: thân hòa đồng trú, khẩu hòa vô trách, ý hòa đồng duyệt, kiến hòa đồng giải, lợi hòa đồng quân, giới hòa đồng tu.

Trong cuộc sống, khi mọi người mệt mỏi, đau ốm thường hay nổi nóng, khó chịu, dễ làm tổn hại những người xung quanh. Chính vì vậy mà nguyên tắc đầu tiên của Lục Hòa Kính là "Thân hòa đồng trú", tức là mọi người phải luôn giữ gìn và tăng cường sức khỏe, cả về thể chất cũng như tinh thần.

Nhưng khi mọi người đều khỏe mạnh, sự xung đột trong gia đình vẫn có thể xảy ra, đôi khi chỉ bắt nguồn từ một lời nói vô tâm. Vì vậy nói sao để truyền đạt đúng ý của mình mà không gây mất hòa khí, hiểu nhầm là vô cùng quan trọng. Đây cũng là ý chính trong nguyên tắc thứ hai trong Lục hòa kính "Khẩu hòa vô trách".

Không chỉ tránh không gây mâu thuẫn, mà mọi người trong gia đình còn phải xây dựng tình cảm, gắn bó với nhau, cùng nhau vượt qua khó khăn.Làm theo nguyên tắc thứ 3 "Ý hòa đồng duyệt", tức là mọi người cùng nhau xây dựng không khí gia đình vui vẻ, hạnh phúc.

Chắc chắn khó có gia đình nào mà suốt bao nhiêu năm chỉ có vui vẻ hạnh phúc, bởi trước sau gì cũng có những việc cần phải cùng nhau bàn bạc để giải quyết. Khi đó sự bất đồng ý kiến là không thể tránh khỏi, nhất là khi khoảng cách giữa các thế hệ trong xã hội ngày càng lớn, bởi mỗi người sinh ra, lớn lên trong một thời đại khác nhau nên quan điểm,nhận thức cũng khác nhau. "Kiến hòa đồng giải" là phương pháp tập hợp những ý kiến riêng của mỗi cá nhân để ra được những quyết định chung mà không làm ai bị tổn thương.

Việc phân chia công việc, cũng như bàn thảo để giải quyết các việc trong gia đình, công bằng chính là yếu tố giúp một gia đình vui vẻ hạnh phúc một cách bền vững. Tuy nhiên việc phân công hay quyết định thế nào cho công bằng thì lại là một bài toán vô cùng phức tạp. Ở đây, công bằng không có nghĩa là chia đều mọi thứ mà là sắp xếp, phân công công việc sao cho phù hợp với khả năng sở thích của từng người, để tất cả mọi người trong gia đình đều cảm thấy vui vẻ thoải mái nhất. Đây chính là ý nghĩa của "Lợi hòa đồng quân", nguyên tắc nhằm hòa hợp giữa lợi ích cá nhân với lợi ích tập thể.

"Giới hòa đồng tu", nguyên tắc cuối cùng, tức đặt ra giới luật để mọi người cùng tuân theo. Không chỉ ở chùa mà ở bất kỳ tổ chức nào cũng cần phải có những nguyên tắc của riêng mình. Gia đình cũng không phải là ngoại lệ, mỗi gia đình đều phải có cái "gia quy" riêng của mình. Gia quy ở đây không nên hiểu là các nguyên tắc của thời phong kiến, mà nó đơn thuần chỉ là những quy định mà các thành viên trong gia đình cùng nhau thảo luận và đặt ra. Nó không thể cứng nhắc bất biến, hoặc là cái chuẩn chung áp dụng cho mọi trường hợp mà phải được biến đổi sao cho phù hợp với hoàn cảnh và cá nhân của mỗi gia đình.

Trên đây là sáu nguyên tắc được dùng trong các tăng đoàn đạo phật, nên khi áp dụng vào gia đình chắc hẳn có nhiều điểm còn chưa sát với ý tưởng ban đầu của nó. Bố Nghé chỉ xin nêu ra để mọi người cùng đọc chứ không dám mong cả nhà sẽ cùng "tu" theo những điều này, bởi kể cả những nhà sư ở chùa cũng khó mà làm theo tất cả các nguyên tắc trên. Sau này, đọc những dòng trên, nếu có duyên, có thể Nghé sẽ hiểu, học theo được, trước hết có lợi cho bản thân Nghé, sau là lợi cho những người xung quanh.

No comments:

Post a Comment