Monday, November 19, 2012

Khuyến Học

Đây là cuốn sách đã mang lại sự vĩ đại của nước Nhật, bố đăng ở đây để mong Nghé lớn lên sẽ đọc nó.

Fukuzawa Yukichi
"Quốc dân không có chí khí độc lập, không có tinh thần tự do thì lòng yêu nước cũng hàm hồ, nông cạn, vô trách nhiệm."

Cuốn sách mà các bạn đang cầm trên tay là cuốn "Khuyến học", được ông viết trong thời gian 1872-1876  của tác giả Fukuzawa Yukichi (1834 – 1901 Người khai sáng tinh thần quốc dân Nhật Bản, đem lại linh hồn, động lực và sự hậu thuẫn tinh thần cho công cuộc Duy Tân của chính phủ Minh Trị. Những tác phẩm của ông dừ viết từ hơn một thế kỷ trước, nhưng vẫn được người Nhật Bản ngày nay hết lòng ngưỡng mộ.)


Đây không phải là tác phẩm đồ sộ và sâu sắc nhất của ông, nhưng lại là tác phẩm có ảnh hưởng sâu rộng nhất đến công chúng Nhật Bản. Khi mới được in lần đầu, cuốn sách này có một số lượng ấn bản kỷ lục là 3,4 triệu bản, trong khi dân số Nhật Bản thời đó chỉ khoảng 35 triệu người. Chỉ riêng điều đó đã cho thấy đây thực sự là cuốn sách gối đầu giường của mọi người dân Nhật trong thời kì Duy tân. Và kể từ đó đến nay, cuốn sách này đã được tái bản liên tục, chỉ tính từ năm 1942 đến năm 2000, riêng nhà xuất bản Iwanami Bunko cũng đã tái bản đến 76 lần.

Trong cuốn sách này, Fukuzawa Yukichi đề cập đến tinh thần cơ bản của con người và mục đích thực thụ của học vấn. Với các chương viết về sự bình đẳng, quyền con người, ý nghĩa của nền học vấn mới, trách nhiệm của nhân dân và chính phủ trong một quốc gia pháp trị... cuốn "Khuyến học" đã làm lay chuyển tâm lý người dân Nhật Bản dưới thời Minh Trị. Với tuyên ngôn "Trời không tạo ra người đứng trên người và cũng không tạo ra người đúng dưới người", Fukuzawa Yukichi đã gây kinh ngạc và bàng hoàng - như "không tin vào tai mình" - cho đa số người dân Nhật Bản vốn bị trói buộc bởi đẳng cấp, thân phận, quen phục tùng, phó mặc và e sợ quan quyền suốt hàng trăm năm dưới chính thể phong kiến Mạc phủ.

Ông khẳng định mọi người sinh ra đều bình đẳng và nếu có khác biệt là do trình độ học vấn.

Về học vấn, Fukuzawa Yukichi phê phán lối học "từ chương" và nhấn mạnh Nhật Bản phải xây dựng nền học vấn dựa trên "thực học". Nền học vấn thực học phải gắn liền với cuộc sống hàng ngày, phải dựa trên tinh thần khoa học, tinh thần độc lập, tính thực dụng. Việc tiếp thu văn minh phương Tây phải có chọn lọc. Và quan điểm xuyên suốt cuốn sách là "Làm thế nào để bảo vệ nền độc lập Nhật Bản" trong bối cảnh các cường quốc phương Tây đang muốn biến toàn bộ châu Á thành thuộc địa.

Với độc giả Việt Nam hiện nay, nhiều tư tưởng của Fukuzawa trong "Khuyến học" có lẽ không còn là điều mới mẻ gây chấn động lòng người như đối với người dân Nhật Bản ở thời Minh Trị.

Tuy nhiên, cách đặt vấn đề của ông thì vẫn còn nguyên ý nghĩa thời sự đối với những quốc gia đang trên con đường hiện đại hoá. Ngoài ra cuốn "Cẩm nang" của người Nhật cày cũng sẽ giúp cho độc giả Việt Nam hiểu rõ hơn những đặc điểm về tính cách và tinh thần của người Nhật Bản hiện đại, những người từ thân phận nông nô "ăn nhờ ở đậu", nhờ có sự khai sáng của những con người như Fukuzawa Yukichi mà đã trở thành "quốc dân" của một đất nước Nhật Bản hiện đại và văn minh như ngày nay.

Chúng tôi xin trích đăng nội dung cuốn sách.


Sách "Khuyến Học"

Tác giả: Fukuzawa Yukichi

Người dịch: Phạm Hữu Lợi

No comments:

Post a Comment